Cứ mỗi mùa hoa Phượng về, nay còn có thêm hoa Bằng Lăng song hành cùng nở, là trong lòng lại xốn xang như tuổi thơ ngày xưa mỗi khi Hè về...Mùa Hè về, với lũ trẻ con chúng tôi là Hồ Hoàn Kiếm, đường phố Hà Nội, Bách Hóa Tổng hợp Tràng Tiền, Hồ Tây, dọc bờ sông Hồng... là những nơi chúng tôi kéo nhau vui chơi, nô đùa thỏa thích. Bố mẹ thì đi công tác xa, bận đi làm, chẳng có ai trông nom, chúng tôi tự do trên đường phố. Chơi chán đến bữa cả lũ lại lon ton mang tem phiếu ra chợ Hôm mua rau, thực phẩm rồi về khu bếp tập thể cùng nhau nhồi bếp mùn cưa nấu thức ăn, nấu cơm cho cả nhà...mà hồi đó mới chỉ học lớp 3,4,5... cho đến ngày 5/8/1964 - 1966, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc và Hà Nội ác liệt, các trường học đóng cửa, bắt buộc học sinh phải đi sơ tán.....
Mùa Hè đã về
Hoa Phượng đỏ tươi
Lung linh bóng nước Hồ Gươm
Một bên Hoa Phượng, một bên Tháp Rùa
Đang đi chợt ngước lên cao
Một thảm Phượng đỏ vắt ngang khoảng trời
Xa xa Thê Húc dáng khoe
Bằng Lăng, Phượng Vĩ cùng nhau
Ngắm nhìn Phượng nở, nhớ về ngày xưa...
Ngày xưa ấy..., hồi ấy ....
Khi Hè về là lũ trẻ chúng tôi (Cũng như các bạn) rủ nhau đi chơi thoải mái. Gì thì gì cũng phải lượn ngắm hết tầng 1 và tầng 2 Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền (Hồi ấy BHTH chỉ có 2 tầng), là Trung tâm thương mại, hàng hóa lúc bấy giờ. (Nơi ấy Tết đến là tíu tít xếp hàng mua tiêu chuẩn hàng Tết, chúng tôi không quên mua vài bánh pháo tép)
Rồi ra Hồ Hoàn Kiếm vớt Thủy Trần về cho cá cảnh (Chủ yếu là cá Khổng Tước, Trọi, Kiếm, Hắc Bô Ni, Thần Tiên...), còn muốn cho cá ăn giun nước thì ra sông Kim Ngưu nhé!
Xong lại lượn xung quanh Bờ Hồ có nhiều món ăn hấp dẫn lũ trẻ: Lạc rang húng lìu, thịt bò khô, bi don don, kẹo kéo, kẹo bông, kẹo bạch nha, kem, sấu khế dầm khi mua được khuyến mại xem truyện tranh Tam Quốc... Rồi cả lũ xúm nhau xem phim đèn chiếu " Hòm" ngay tại Bờ Hồ. " Rạp chiếu phim" là một chiếc hòm hơi dài, đặt trên hệ thống bánh xe đẩy, hai bên thành hòm có các ống chéo xiên nhòm vào màn ảnh đèn chiếu trong hòm, bên dưới ống là những ghế gỗ đề khán giả ngồi nhòm vào xem. Ông chủ " Rạp" là người đẩy xe, phụ trách kỹ thuật đèn chiếu kiêm người thuyết minh truyền cảm...
Nói đến Bờ Hồ lại phải nói đến tiếng leng keng của Tầu Điện, thú nhảy lên, nhảy xuống Tầu Điện ở Bờ Hồ của bọn trẻ, với cảm giác lâng lâng bay bổng khi chạy theo đu nhẹ nhàng lên Tầu Điện hoặc điệu đà lướt xuống Tầu Điện rất diệu nghệ và bay bướm ( Phải có kỹ thuật, nghệ thuật, sự tỉnh táo và bình tĩnh đấy)... Các ông " Lơ" Tầu Điện thường lơ chúng tôi đi, hoặc quát lấy lệ, nhắc chúng tôi cẩn thận mà không bắt lấy vé, giá vé Tầu Điện là 5 xu, ngồi đến kịch đường Tầu mới thôi. Ga Tầu điện Bờ Hồ là trung tâm tỏa đi các nơi: Chợ Bưởi, Yên Phụ, Cầu Giấy, Hà Đông, Chợ Mơ, Vọng. Còn có một cái thú nữa là nghe hát " Xẩm Tầu Điện" ...
Cái câu " Đi chơi Bờ Hồ", " Đi ăn kem Bờ Hồ" một thời là mong ước, là phần thưởng, sự háo hức, sự dỗ dành... không chỉ cho trẻ con mà cả người lớn, không chỉ cho người ở các tỉnh khác mà ngay cả người ở Hà Nội...
Hôm khác cả lũ lại rủ nhau ra bờ sông Hồng câu cá, câu tôm, bơi lội ngụp lặn. Hồi đó cả dọc bờ đê ngoài sông Hồng nói chung và dọc đê dốc Bác Cổ mà chúng tôi hay đến nói riêng, là một bãi thoáng vắng, trồng ngô khoai, chỉ có vài chòi, lều xẻ gỗ, còn dọc trên sông là cả một dải bè nứa, bề gỗ trôi nổi...Đúng là trẻ con chả sợ gì, cứ thi nhau lặn qua các bè nứa... Khi về trong bụng áo may ô đứa nào cũng có vài củ khoai lang sống, vừa đi vừa gặm, mà sao khoai lang sống hồi ấy ngọt thế!
Trưa Hè vắng vẻ, trời nắng chang chang, Ve kêu inh ỏi trên cây chính là lúc lũ trẻ đi dính những chú Ve to mồm nhất, dụng cụ là một chiếc sào dài, chất liệu dinh là kếp trộn xăng vê thành cục gắn vào đầu cây sào...Và tối đến là lại lùng sục khắp các gốc cây nhất là Xà Cừ để bắt các con Ve chưa lột xác đem về cho đậu vào màn xem Ve lột xác. Thú vui này của trẻ con cũng ngang ngửa thú vui các Cụ xem Hoa Quỳnh nở...Khi Ve Sầu lột xác thì phần vỏ cứng ở lưng của Ve từ từ nứt ra, phần lưng phía trong nhô dần, nhô dần cho đến khi hở hết phần đầu, phần chân và phần cánh còn ngắn cũn cỡn thò ra, thì Ve cựa mình khỏi phần cứng xác ve, bò đậu vào màn, lúc này toàn thân Ve còn mềm yếu với màu xanh non tơ, ươn ướt, mờ ảo..., rồi Ve lớn dần, cánh duỗi dần ra hết cỡ cho đến khi khô hẳn và hoàn chỉnh. Lúc này Ve đẹp tuyệt vời toàn thân mịn màng, xanh óng với đôi cánh xanh biếc... Tuy nhiên sáng hôm sau ngủ dậy, Ve đã trở thành màu xám không còn vể đẹp như sau lột xác nữa và kết quả là cả cái màn trắng loang lổ đen sì do các con Ve khi lột xác xong " đái " ra...
Cứ sáng sớm, đoạn phố Lý Thường Kiệt, từ Phan Huy Chú đến Phan Chu Trinh là mấy bãi đá bóng, các cầu thủ nhí say sưa đá bóng hò hét ỉnh ỏi...
Rồi còn tự tạo nhiều trò chơi nữa như chịu khó ra cửa hàng ăn Tràng Tiền nhặt các nút bia chai về đập dẹt làm xèng, gom các vỏ tuýt thuốc đánh răng đun nóng chảy, đổ khuôn đất làm cái chì, rồi làm khăng, lấy gỗ đẽo gụ, đẽo quay, chơi bi, đánh đáo, đẽo súng lục gỗ, dùi nòng lắp đầu van xe đạp nhồi đầu diêm để gần Tết bắn nổ đùng, đoàng, rồi ra Hồ Tây hái ổi, chọn chạc ổi làm súng cao su...
Có thể nói hồi ấy (Về mặt thiên nhiên và môi trường) chúng tôi sướng hơn bọn trẻ bây giờ nhiều vì Thành phố nguyên sơ, đường phố thoáng đãng, vắng vẻ, không khí trong lành, dân cư ít, phương tiện giao thông củ yếu là xe đạp, rất ít xe ôtô, xe máy, ông bố một anh bạn tôi ở phố Phan Huy Chú có một " Con" " SoLex mù " nổ máy chạy vè vè oai lắm...
Cứ thế tuổi thơ êm ả qua đi, cho đến khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc và Hà Nội từ 5/8/1964. Còi báo động liên tục vang lên, loa phóng thanh phát đi khẩn cấp: " Đồng báo chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 70 Km, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu, đồng bào nhanh chóng ra hầm trú ẩn..."
Cho đến tận bây giờ, mỗi khi Hoa Phượng nở đỏ rực, Bằng Lăng nở tim biếc thì những hình ảnh ngày xưa ấy lại hiện về, trong lòng vẫn cứ nao nao ngóng chờ, đón chờ Hè đến, ngóng chờ, đón chờ ngày xưa về...
Ven Hồ mỏng mảnh cánh Hoa,
Bằng Lăng tím biếc bâng khuâng đợi chờ,
Kìa ai đang đứng bên Hồ,
Như Bằng Lăng tím ngóng chờ, đợi ai?
Mong manh tím biếc cánh Hoa, Bằng Lăng rủ bóng ngẩn ngơ ven Hồ,
Ai kia tẩn ngẩn bên Hồ,
Cùng Bằng Lăng tim đón chờ, chờ ai?
Bên kia Hồ Bằng Lăng tím biếc,
Bên này Hồ tím biếc Bằng Lăng
Này ai đang đứng bên Hồ,
Thôi đừng ngóng đón, lội Hồ mà qua!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét