Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

41 năm Liệt Sỹ Nguyễn Lâm

THỨ NĂM, NGÀY 05 THÁNG CHÍN NĂM 2013


41 năm Liệt Sỹ Nguyễn Lâm


Sáng hôm nay, bạn Trỗi K5 đã đến nhà D3, P401, khu TT Trung Tự, Hà Nội thăm Cụ Trần Thị Thái, Thân Mẫu Liệt Sỹ Nguyễn Lâm, và thắp hương 41 năm cho bạn. Cụ Thái đã vào tuổi 90, tuy không còn nhanh nhẹn nhưng Cụ vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, Cụ mang ra một chiếc hộp, bồi hồi lần giở từng chiếc ảnh của Nguyễn Lâm cho chúng tôi xem. Chị Lan là chị Cả của Nguyễn Lâm nói Cụ vẫn tự một mình đi chợ, thật là quý hóa, có Ông Trời, có Nguyễn Lâm phù hộ cho Cụ. Cụ Kháng, Thân Phụ Nguyễn Lâm, nguyên Cục Trưởng Cục cảnh vệ, đã mất năm 1993, là một trong 8 cận vệ của Bác Hồ, được Bác đặt tên "Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi" năm 1947 tại Tam Nông, Phú Thọ.

Nguyễn Lâm sinh ngày 25/03/1953. Sau khi rời trường Trỗi, Nguyễn Lâm thi đỗ vào trường Đại Học Thủy Lợi. Học đến tháng 1/1972 thì nhập ngũ, đơn vị E95 F325. Do thời kỳ đó chiến tranh ác liệt nên Tổng động viên đến cả các sinh viên. Cùng thi đỗ vào ĐH Thủy Lợi, cùng nhập ngũ, cùng đơn vị với Nguyễn Lâm, Trỗi K5 còn có Lê Bình và Kiên Cường. Ngoài ra Trịnh Thúc Doanh ĐH Bách Khoa, Lê Minh ĐH Tổng Hợp Hà Nội cũng cùng đơn vị, riêng Lê Minh ở Đại đội trinh sát của Sư đoàn. Trong các trận chiến ác liệt ở Thành Cổ Quảng Trị Nguyễn Lâm đã anh dũng hy sinh ngày 05/09/1972 ( Kiên Cường, Trịnh Thúc Doanh cũng hy sinh tại Thành Cổ Quảng Trị, còn sổng trở về có Lê Bình, Lê Minh và Vũ Tiến Chính, nhưng gần đây Lê Bình, Lê Minh đã không qua khỏi vì bệnh hiểm nghèo) 
Anh Lương Sơn K2, người anh thứ hai của Nguyễn Lâm, còn kể cho chúng tôi nghe chuyện Nguyễn Lâm đã dũng cảm cứu người, lúc còn chưa vào trường Trỗi. Hồi đó Nguyễn Lâm học lớp 5, đi sơ tán ở Đại Mão, Mão Điền, Thuận Thành, Hà Bắc. Cô giáo của trại trẻ sơ tán dẫn các cháu ra sông Đuống tắm, chẳng may có một cháu ra xa hụt chân xuống chỗ nước sâu kêu cứu, cô giáo hốt hoảng vội lao ra cứu nhưng lại không biết bơi, thế là cô, cháu và mọi người kêu cứu khẩn cấp. Tuy còn ít tuổi nhưng Nguyễn Lâm lại bơi giỏi, đang bơi xa bờ, nghe kêu cứu đã vội quay lại cứu được cả hai người....
Tấm gương dũng cảm cứu cô giáo và học sinh của Nguyễn Lâm đã nổi tiếng cả miền Bắc lúc bấy giờ. Cuối năm 1965 Đại hội "3 Sẵn Sàng" chống Mỹ, cứu nước của Đoàn các cơ quan Trung ương đã mời Nguyễn Lâm là vị khách đặc biệt và được lên ngồi ở Đoàn chủ tịch bên cạnh Bác Hồ. Trong Đại hội Nguyễn Lâm đã được Bác Hồ vinh danh, khen ngợi và được Bác trao tặng huy hiệu Bác Hồ....
Đó là một chiến công, cũng như Huân chương Chiến công mà Nguyễn Lâm đã được tặng thưởng trong chiến đấu đã khẳng định con người anh hùng của Nguyễn Lâm. Một người luôn vui vẻ, nhanh nhẹn, khiêm tốn, hết lòng cứu giúp mọi người, chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng, hiến trọn cuộc đời thanh xuân cho Dân tộc, cho Đất nước.
Bốn mươi mốt năm Nguyễn Lâm lặng lẽ, nhưng mọi người lúc nào cũng nhớ tới bạn, luôn luôn quý trọng, luôn luôn biết ơn....

                                                Bạn Trỗi K5 thắp hương Nguyễn Lâm

                          Bạn Trỗi K5 cùng Cụ Trần Thị Thái và các anh chị em của Nguyễn Lâm
Từ trái qua: Chị Lan ( Chị Cả, Nguyễn Lâm là thứ ba, Lâm còn cô em gái tên Hải và cậu em út tên Bình), Nguyễn Hà ( Em thứ tư), Cụ Trần Thị Thái, Hoàng Việt, anh Lương Sơn K2 (Anh thứ hai), Ngô Thế Vinh, Hoàng Chương.
Cũng thật tình cờ Nguyễn Hà, học ĐHQS với Triều Trỗi K7, cùng anh Lương Sơn nhân dịp 27/7 năm nay đã cùng Hội Cựu lính sinh viên về thăm chiến trường Quảng trị để tri ân các đồng đội đã anh dũng hy sinh, gặp Lê Minh cũng đi trong đoàn. Anh em chuyện trò mới biết được Nguyễn Lâm, Lê Minh cùng lính Trỗi, cùng đơn vị chiến đấu. Anh em hàn huyên nhiều chuyện, có nhiều dự định nhưng thật không ngờ, đây lại là lần cuối cùng gặp Lê Minh.

                                                 Ảnh Nguyễn Lâm lúc ở Hưng Hóa

               Lính Trỗi K5 hè năm 1966, trước rừng vầu, trên đồi ở xóm Suối Chì, Mỹ Yên.
               Nguyễn Lâm ngồi hàng đầu tiên, thứ 4 từ trái qua, kể từ Thầy Cao Cự An.

Nguyễn Lâm  cậu thiếu niên áo trắng quàng khăn đỏ (Ngồi hàng đầu, thứ 3 từ trái qua, bên trái Nguyễn Lâm là Bác Hồ đang đứng, còn bên phải Nguyễn Lâm hình như là Bác Lê Duẩn?) được mời ngồi Đoàn chủ tịch Đại hội "3 Sẵn Sàng" chống Mỹ, cứu nước của Đoàn các cơ quan Trung ương cuối năm 1965, do thành tích dũng cảm cứu sống hai người trên sông Đuống, được Bác Hồ tuyên dương và tặng Huy hiệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét