Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Vô cùng thương tiếc Đại Tướng Võ Nguyên Giáp


THỨ HAI, NGÀY 07 THÁNG MƯỜI NĂM 2013


Vô cùng thương tiếc Đại Tướng Võ Nguyên Giáp


Sáng hôm nay, ngày 07/10/2013, Đoàn đại biểu đại diện Ban Liên Lạc, các Thầy Cô giáo và các Khóa Trường VHQĐ - Thiếu Sinh Quân Nguyễn Văn Trỗi do Trưởng BLL Bùi Vinh làm Trưởng Đoàn, đã đến nhà riêng của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu Hà Nội, để kính viếng, tỏ lòng tiếc thương vô hạn, kính cẩn cúi mình tiễn biệt Vị Tướng đức độ, tài ba lỗi lạc của Dân Tộc, của Đất Nước Việt Nam, Người Phụ Huynh kính mến của Trường Trỗi, Người được cả thế giới ngưỡng mộ và kính trọng.... Xin được gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Phu nhân Đại Tướng, tới các anh chị Võ Hòa Bình, Võ Hạnh Phúc, Nguyễn Hữu Thành..... và gia đình. Cầu mong linh hồn Đại Tướng Siêu thoát, thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng....
Sau đây là một số hình ảnh Đoàn đại biểu Trường Trỗi viếng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp:

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Ngày Giỗ đầu Lê Bình

THỨ BA, NGÀY 24 THÁNG CHÍN NĂM 2013


Ngày Giỗ đầu Lê Bình

Trước ngày Giỗ, anh em đã nhớ, đã nhắc đến Lê Bình rồi. Những người ở xa không đến được như Phúc Cần, Nhất Trung, Kiến Quốc, Bắc Hải....  đã nhắn tin, gọi điện, nhờ thắp hộ nén nhang cho Lê Bình. Phan Đức Dũng ở Đức đại diện cho những anh em ở nước ngoài đêm qua cũng đã gửi bài thơ "Nhớ Giỗ đầu bạn Lê Bình" để thắp hương nhớ bạn....
Trưa hôm nay, 24/09/2013 (20/08 Âm Lịch), anh em Trỗi K5, các Khóa trường Trỗi, trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Hà Nội, bạn bè, chiến hữu.... đã đến đông đủ dự Giỗ đầu Lê Bình thắp hương, nhớ đến người bạn, người anh em thân thiết của mình đã xa cách tròn một năm...

Sắp đến Giỗ đầu, nhớ Lê Bình - Những vần thơ của người lính chiến

CHỦ NHẬT, NGÀY 22 THÁNG CHÍN NĂM 2013


Sắp đến Giỗ đầu, nhớ Lê Bình - Những vần thơ của người lính chiến.

Nhanh thật, đến thứ ba tuần sau ngày 24/09/2013 ( Ngày 20/08 Âm Lịch) là đã Giỗ đầu Lê Bình rồi, thế mà cứ nghĩ Lê Bình vẫn ở quanh đây. Với tính cách sôi nổi, quảng giao Lê Bình thân quen với hầu hết các khóa Trường Trỗi, nhiều bạn bè, chiến hữu ....

                       Lê Bình cùng các Thầy, Cô giáo, chị Quyên và K5 tại Hồ Tây (2004 - 2005

Thăm bạn Nguyễn Hữu Minh

CHỦ NHẬT, NGÀY 15 THÁNG CHÍN NĂM 2013

Thăm bạn Nguyễn Hữu Minh

Mấy hôm trước nghe nói Nguyễn Hữu Minh tình hình sức khỏe xấu lắm, ở nhà tự chữa, không chịu đi khám gì cả.... sáng nay 14/09/2013, anh em rủ nhau đến thăm bạn. NHM vốn đã bị bệnh Parkinson mà.
Vẫn cái dáng đi "Robot" ấy, dáng đi ngay đơ, tay thẳng thuỗn, chậm chạp, NHM tiếp chúng tôi ngay tại sân vườn nhà. Hỏi han sức khỏe, bạn nói cũng đã đỡ hơn, những vẫn còn mệt, bệnh ít chyển biến...Chúng tôi khuyên bạn nên vận động, tập luyện nhiều hơn và tăng cường, kiên trì dùng thuốc đông y. Bạn vẫn tỉnh táo, tay chân không thấy run run, nhưng có vẻ các cơ, khớp bị căng cứng, việc chữa trị cần phải có thời gian....nói chung là cũng chưa đến  nỗi nguy hiểm. Chúc NHM điều trị tích cực, nhanh khỏi bệnh.

      "Sói biển" một thời đã về già, chuyển đổi ngoạn mục thành ông chủ xưởng sản xuất bánh,
       cũng là giỏi, ít người được như thế...

                                               Bạn Trỗi K5 và ông chủ xưởng bánh NHM

Chúc đoàn công tác Trường Trỗi lên đường thành công

CHỦ NHẬT, NGÀY 15 THÁNG CHÍN NĂM 2013

Chúc đoàn công tác Trường Trỗi lên đường thành công

Có thể nói hai nước có thể có những bất đồng này khác, nhưng nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc thì vẫn luôn mong muốn tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước ngày càng được củng cố và phát triển...
Có lẽ chính vì thế mà Viện Khoa Học Xã Hội Quảng Tây và Cục Lưu trữ Quảng Tây đã chọn lọc những bài viết về những câu chuyện, những kỷ niệm ở Quế Lâm và những cuộc thăm hỏi, giao lưu qua lại giữa hai bên, Trường Trỗi - Quế Lâm, được in trong 3 tập sách "Sinh ra trong khói lửa"  để dịch ra tiếng Trung Quốc và in thành sách có tựa đề: "Minh chứng về tình hữu nghị Việt - Trung".... Có một điều đáng chú ý là việc phát hành sách, không phải do một nhà xuất bản nào đó ở Quế Lâm hay ở Quảng Tây, mà do nhà xuất bản Tri thức thế giới Bắc Kinh phát hành. Và tiếp tục kế hoạch, phía bạn đã mời Trường Trỗi sang Quế Lâm để thống nhất và hoàn chỉnh...
Như vậy Trường Trỗi ta, Hội hữu nghị Việt - Trung và các bạn Trung Quốc ở Quế Lâm, Quảng Tây đã tham gia, đóng góp vào một việc rất có ý nghĩa, đó là minh chứng mối quan hệ hữu nghị, thân thiện, gần gũi, gắn bó giữa nhân dân hai nước là luôn luôn tồn tại....
Nhân dịp đoàn công tác Trường Trỗi (Gồm 6 thành viên: anh Bùi Vinh K3 Trưởng BLL Trường Trỗi Trưởng Đoàn, anh Chu kỳ Minh K2, Dương Thanh K3, Dương Minh Đức, Từ Linh K4, Kiến Quôc K5) lên đường sang Quế Lâm làm nhiệm vụ "Ngoại giao nhân dân"  và cũng là lúc vừa nhận công tác mới, bạn Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi chiêu đãi gặp mặt và tiễn đoàn công tác tại nhà Công vụ khu biệt thự Hồ Tây tối qua 13/09/2013. Cuộc gặp mặt rất thân mật và tình cảm. Anh Bùi Vinh Trưởng BLL Trường, thay mặt Trường Trỗi tặng bạn NTN lẵng hoa tươi thắm, chúc mừng bạn được giao trọng trách mới, chúc bạn và gia đình dồi dào sức khỏe, có nhiều thành công trong cương vị  mới. Bạn NTN cám ơn và chúc đoàn công tác lên đường bình an, thành công tốt đẹp.

                                Anh Bùi Vinh chúc mừng bạn NTN được giao trọng trách mới
                                     Bạn NTN cảm ơn, chúc đoàn công tác lên đường thắng lợi

       Hương Thảo Nguyên K9 chúc mừng chú NTN, chúc đoàn công tác lên đường thành công

                        Văn nghệ cây nhà, lá vườn, song ca Dương Minh Đức, Chu Kỳ Minh

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa

THỨ BẢY, NGÀY 14 THÁNG CHÍN NĂM 2013

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa

Cố Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa là Phụ huynh Trỗi, Thân Phụ của anh Trần Dũng Trí K3, Trần Dũng Triệu K5, Trần Dũng Trình K7. Ông sinh ngày 13/09/1913 tại xã Chánh Hiệp (Nay là xã Hòa Hiệp), huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ông mất ngày 09/08/1997 tại Phú Nhuận, TP HCM. Do có nhiều công lao và thành tích với Đất Nước, Ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương, giải thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước, là Viện sỹ Viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô. Ông được giao nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có chức vụ Cục Trưởng Cục quân giới đầu tiên.....Viện Trưởng Viện khoa học Việt nam (Nay là Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam) Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, được phong quân hàm thiếu tướng năm 1948, là Anh hùng Lao động, đảm nhận những trọng trách to lớn trong việc xây dựng và phát triển nền công nghiệp Quốc phòng, nền khoa học và công nghệ Việt nam....
Sáng ngày 13/09/2013, Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cố Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa (13/09/1913 - 13/09/2013)
Nói đến Cố Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa là nói đến những cống hiến, những đóng góp to lớn của Ông cho sự nghiệp giải phóng, giữ gìn nền đôc lập tự do cho Dân Tộc, xậy dựng và bảo vệ Đất Nước. Ông là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, tận tâm, tận lực phục sự Tổ Quốc.....
Buổi Lễ kỷ niệm đã tạo cho những người tham dự ấn tượng rất sâu sắc, hiếm có.. Không hoành tráng, hào nhoáng, nhưng rất trang trọng, đầm ấm và nghĩa tình. Có lẽ chính tính cách,  phong cách giản dị, khoa học, thương yêu mọi người, hết lòng dậy dỗ, truyền đạt kiến thức cho thế hệ kế tiếp của Ông đã tạo nên buổi Lễ ấn tượng như vậy. Không phải là những bài diễn văn khô khan, dập khuôn, những thủ tục máy móc...mà đây là những lời tâm tình, thương yêu, kính trọng, mến phục, chân thực từ tấm lòng đối  với Cố Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa.
Tên từ nhỏ của Ông là Phạm Quang Lễ. Sau này Ông kể: " ....Đến trước 7 giờ sáng ngày 5/12/1946 tên tôi vẫn là Phạm Quang Lễ. Đang ở Thái Nguyên lo sản xuất vũ khí thì được điện về Hà Nội gấp để gặp Bác Hồ. Được gặp Bác ở Bắc Bộ Phủ, Bác nói: "Bác quyết định trao cho chú nhiệm vụ Cục Trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội. Đây là việc đại nghĩa, vì thế Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Đây là bí danh từ nay trở đi của chú, để giữ bí mật và cũng là giữ an toàn cho bà con thân thuộc của chú ở trong miền Nam" (Trần Đại Nghĩa là tên tôi từ đó)...."

               Con cháu kinh cẩn thắp hương trước Đài tưởng niệm Cố Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa
                trong khuôn viên Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam



  Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Cục, Viện, Ban Nghành, Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long... 
               các Giáo sư, Viện sỹ, các đại biểu, khách mời... kính cẩn thắp hương
                trước Đài tưởng Niệm Cố Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa.

                      Tiết mục văn nghệ Truyền thống Quân giới với biểu tượng khẩu Bazooka                        

Khẩu Bazooka do Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa chế tạo khi mới về nước được năm tháng, là nỗi kinh hoàng của quân đội Pháp ở Việt Nam.

                                      Anh Trần Dũng Trí thay mặt gia đình cảm ơn

                         Gia đình, con cháu Cố Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa tại Hội trường

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cùng gia đình, con cháu Cố Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa bên đài tưởng niệm

Ngày Giỗ Liệt Sỹ Trịnh Thúc Doanh

THỨ SÁU, NGÀY 13 THÁNG CHÍN NĂM 2013

Ngày giỗ LIệt Sỹ Trịnh Thúc Doanh


Trưa hôm nay, ngày 13/09/2013, bà Nguyễn  Lê Mai, Thân Mẫu Liệt Sỹ Trịnh Thúc Doanh, đã làm giỗ 41 năm cho bạn. Trịnh Thúc Doanh sinh ngày 30/01/1953, nguyên quán Định Công Hạ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trú quán tại khu TT Viện Quân Y 108, số 1 Trần Thánh Tông, HN. Bạn là sinh viên ĐH Bách Khoa HN, nhập ngũ ngày 06/09/1971, đơn vị C4 D8 E95 F325, cùng đơn vị với Doanh còn có Lê Bình, Lê Minh, Nguyễn Lâm và Vũ Kiên Cường. Bạn hy sinh ngày 16/09/1972 (09/08 Âm lịch) tại bến vượt bên dòng sông Thạch Hãn khi rút khỏi Thành Cổ Quảng Trị, và cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bạn... Gia đình và đồng đội đã lập mộ tưởng niệm cho bạn tại nghĩa trang Liệt Sỹ xã Định Công, huyện Thanh Trì, HN. Ông Trịnh Đình Chương, Thân Phụ Trịnh Thúc Doanh, nguyên bác sỹ Quân y Viện trưởng Viện Quân y 9, chủ nhiệm khoa khám bệnh Viện Quân Y 108, đã mất năm 1989. Bà Nguyễn Lê Mai, là dược sỹ cao cấp Cục Quân Y, năm nay đã 85 tuổi, sức yếu, chân đau, đi lại rất khó khăn. Bạn Trỗi K5 và các bạn lính sinh viên các trường ĐH Bách Khoa, Xây Dựng ...đã đến thắp hương, nhớ đến người bạn đồng niên, đồng học, đồng đội, chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng, với những câu chuyện, những kỷ niệm mãi mãi không quên.

                        Bức ảnh kỷ niệm Trịnh Thúc Doanh và gia đình trước lúc nhập ngũ
Hàng ngồi là ông, bà Trịnh Đình Chương, Nguyễn Lê Mai
Hàng đứng từ trái qua: Trịnh Thúc Doanh (Em trai thứ  hai, anh con đầu bà Mai  là Trịnh Tuấn Dương, anh Dương đi học xa không có trong ảnh), Trịnh Phương Liên (Em gái thứ ba), Trịnh Ngọc Tân (Em Trai thứ tư, đã mất).

41 năm Liệt Sỹ Nguyễn Lâm

THỨ NĂM, NGÀY 05 THÁNG CHÍN NĂM 2013


41 năm Liệt Sỹ Nguyễn Lâm


Sáng hôm nay, bạn Trỗi K5 đã đến nhà D3, P401, khu TT Trung Tự, Hà Nội thăm Cụ Trần Thị Thái, Thân Mẫu Liệt Sỹ Nguyễn Lâm, và thắp hương 41 năm cho bạn. Cụ Thái đã vào tuổi 90, tuy không còn nhanh nhẹn nhưng Cụ vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, Cụ mang ra một chiếc hộp, bồi hồi lần giở từng chiếc ảnh của Nguyễn Lâm cho chúng tôi xem. Chị Lan là chị Cả của Nguyễn Lâm nói Cụ vẫn tự một mình đi chợ, thật là quý hóa, có Ông Trời, có Nguyễn Lâm phù hộ cho Cụ. Cụ Kháng, Thân Phụ Nguyễn Lâm, nguyên Cục Trưởng Cục cảnh vệ, đã mất năm 1993, là một trong 8 cận vệ của Bác Hồ, được Bác đặt tên "Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi" năm 1947 tại Tam Nông, Phú Thọ.

Nguyễn Lâm sinh ngày 25/03/1953. Sau khi rời trường Trỗi, Nguyễn Lâm thi đỗ vào trường Đại Học Thủy Lợi. Học đến tháng 1/1972 thì nhập ngũ, đơn vị E95 F325. Do thời kỳ đó chiến tranh ác liệt nên Tổng động viên đến cả các sinh viên. Cùng thi đỗ vào ĐH Thủy Lợi, cùng nhập ngũ, cùng đơn vị với Nguyễn Lâm, Trỗi K5 còn có Lê Bình và Kiên Cường. Ngoài ra Trịnh Thúc Doanh ĐH Bách Khoa, Lê Minh ĐH Tổng Hợp Hà Nội cũng cùng đơn vị, riêng Lê Minh ở Đại đội trinh sát của Sư đoàn. Trong các trận chiến ác liệt ở Thành Cổ Quảng Trị Nguyễn Lâm đã anh dũng hy sinh ngày 05/09/1972 ( Kiên Cường, Trịnh Thúc Doanh cũng hy sinh tại Thành Cổ Quảng Trị, còn sổng trở về có Lê Bình, Lê Minh và Vũ Tiến Chính, nhưng gần đây Lê Bình, Lê Minh đã không qua khỏi vì bệnh hiểm nghèo) 
Anh Lương Sơn K2, người anh thứ hai của Nguyễn Lâm, còn kể cho chúng tôi nghe chuyện Nguyễn Lâm đã dũng cảm cứu người, lúc còn chưa vào trường Trỗi. Hồi đó Nguyễn Lâm học lớp 5, đi sơ tán ở Đại Mão, Mão Điền, Thuận Thành, Hà Bắc. Cô giáo của trại trẻ sơ tán dẫn các cháu ra sông Đuống tắm, chẳng may có một cháu ra xa hụt chân xuống chỗ nước sâu kêu cứu, cô giáo hốt hoảng vội lao ra cứu nhưng lại không biết bơi, thế là cô, cháu và mọi người kêu cứu khẩn cấp. Tuy còn ít tuổi nhưng Nguyễn Lâm lại bơi giỏi, đang bơi xa bờ, nghe kêu cứu đã vội quay lại cứu được cả hai người....
Tấm gương dũng cảm cứu cô giáo và học sinh của Nguyễn Lâm đã nổi tiếng cả miền Bắc lúc bấy giờ. Cuối năm 1965 Đại hội "3 Sẵn Sàng" chống Mỹ, cứu nước của Đoàn các cơ quan Trung ương đã mời Nguyễn Lâm là vị khách đặc biệt và được lên ngồi ở Đoàn chủ tịch bên cạnh Bác Hồ. Trong Đại hội Nguyễn Lâm đã được Bác Hồ vinh danh, khen ngợi và được Bác trao tặng huy hiệu Bác Hồ....
Đó là một chiến công, cũng như Huân chương Chiến công mà Nguyễn Lâm đã được tặng thưởng trong chiến đấu đã khẳng định con người anh hùng của Nguyễn Lâm. Một người luôn vui vẻ, nhanh nhẹn, khiêm tốn, hết lòng cứu giúp mọi người, chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng, hiến trọn cuộc đời thanh xuân cho Dân tộc, cho Đất nước.
Bốn mươi mốt năm Nguyễn Lâm lặng lẽ, nhưng mọi người lúc nào cũng nhớ tới bạn, luôn luôn quý trọng, luôn luôn biết ơn....

                                                Bạn Trỗi K5 thắp hương Nguyễn Lâm

                          Bạn Trỗi K5 cùng Cụ Trần Thị Thái và các anh chị em của Nguyễn Lâm
Từ trái qua: Chị Lan ( Chị Cả, Nguyễn Lâm là thứ ba, Lâm còn cô em gái tên Hải và cậu em út tên Bình), Nguyễn Hà ( Em thứ tư), Cụ Trần Thị Thái, Hoàng Việt, anh Lương Sơn K2 (Anh thứ hai), Ngô Thế Vinh, Hoàng Chương.
Cũng thật tình cờ Nguyễn Hà, học ĐHQS với Triều Trỗi K7, cùng anh Lương Sơn nhân dịp 27/7 năm nay đã cùng Hội Cựu lính sinh viên về thăm chiến trường Quảng trị để tri ân các đồng đội đã anh dũng hy sinh, gặp Lê Minh cũng đi trong đoàn. Anh em chuyện trò mới biết được Nguyễn Lâm, Lê Minh cùng lính Trỗi, cùng đơn vị chiến đấu. Anh em hàn huyên nhiều chuyện, có nhiều dự định nhưng thật không ngờ, đây lại là lần cuối cùng gặp Lê Minh.

                                                 Ảnh Nguyễn Lâm lúc ở Hưng Hóa

               Lính Trỗi K5 hè năm 1966, trước rừng vầu, trên đồi ở xóm Suối Chì, Mỹ Yên.
               Nguyễn Lâm ngồi hàng đầu tiên, thứ 4 từ trái qua, kể từ Thầy Cao Cự An.

Nguyễn Lâm  cậu thiếu niên áo trắng quàng khăn đỏ (Ngồi hàng đầu, thứ 3 từ trái qua, bên trái Nguyễn Lâm là Bác Hồ đang đứng, còn bên phải Nguyễn Lâm hình như là Bác Lê Duẩn?) được mời ngồi Đoàn chủ tịch Đại hội "3 Sẵn Sàng" chống Mỹ, cứu nước của Đoàn các cơ quan Trung ương cuối năm 1965, do thành tích dũng cảm cứu sống hai người trên sông Đuống, được Bác Hồ tuyên dương và tặng Huy hiệu.

Thương tiếc tiễn đưa bạn Lê Mimh


THỨ HAI, NGÀY 26 THÁNG TÁM NĂM 2013

Thương tiếc tiễn đưa bạn Lê Minh

Sáng nay, Lễ Tang bạn Lê Minh đã được tổ chức trọng thể tại Nhà Tang Lễ BQP số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội. Đến viếng và đưa tiễn bạn Lê Minh có rất đông các bạn K5 và các khóa trường Trỗi, các CCB "Cựu sinh viên chiến sỹ Thành Cổ Quảng Trị", CCB đại đội trính sát C20 F325....Các bạn Trỗi k5 ở xa như Kiến Quốc, Đức Dũng.... và nhiều bạn khác đã gọi điện, nhắn tin... nhờ thắp hộ nén nhang cho Lê Minh và gửi lời chia buồn tới gia đình bạn.
Khi nghe tin Lê Minh mất nhiều bạn Trỗi K5 bất ngờ, sửng sốt không tin.... và rồi mọi người ai cũng nghĩ về Lê Minh, một người bạn hiền lành, ít nói, tận tình với anh em, bạn bè....

Là một người lính chiến, thương binh - Lê Minh đã trực tiếp tham gia các chiến dịch lớn: Chiến dịch Quảng trị năm 1972, mặt trận Tích Tường - Như Lệ ác liệt bên sông Thạch Hãn. Chiến dịch Hồ Chí Minh Lịch sử.... với lòng quả cảm, kiên cường đã góp phần làm nên những chiến công hiến hách giành Độc Lập - Tự Do cho Dân Tộc.
Là một Nhà Giáo, Tiến sỹ Khoa học - Lê Minh say mê nghiên cứu khoa học, quan tâm, chăm lo bồi dưỡng các thế hệ giảng viên trẻ, hết lòng thương yêu sinh viên....
Cuộc đời của Lê Minh là cả một cuộc đời liên tục chiến đấu, học tập, công tác không ngừng nghỉ, đã có những đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Đối với đồng đội, bạn bè - Lê Minh nặng tình, nặng nghĩa. Chiến tranh đã qua đi, trở về với cuộc sống bận rộn nghiên cứu, giảng dạy.... nhưng Lê Minh luôn nhớ đến những đồng đội đã anh dũng hy sinh. Hàng năm, Lê Minh cùng anh em tổ chức vài  lần về chiến trường xưa thăm viếng, thắp hương nơi các đồng đội đã chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng....Và Lê Minh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết viết những trang hồi ký về cuộc chiến ác liệt mà chính Lê Minh và các đồng đội đã trực tiếp tham gia, có tiêu đề "Những chuyện không thể quên, cười ra nước mắt", trên trang "quansu vn.net", với Nickname Tích Tường Như Lệ (Tích Tường, Như Lệ là tên hai làng ở Quảng Trị bên sông Thạch Hãn, gắn liền với các trận chiến ác liệt, nơi có nhiều đồng đội của Lê Minh đã hy sinh), cũng là để tri ân đối với những đồng đội đã ngã xuống và cũng là những tư liệu quý giá để giáo dục cho các thế hệ trẻ sau này....
Xin kính cẩn nghiêng mình trước Linh Cữu, vĩnh biệt Lê Minh. Cầu mong bạn siêu thoát, thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng.

Lễ Khâm Liệm, Nhập Quan





Lễ Viếng


                                                      Đoàn Bạn Trỗi chuẩn bị viếng

                                      Bạn Trỗi K5 và các khóa trường Trỗi vào viếng

                                          Đoàn CCB Đại đội trinh sát C20 F325 vào viếng

                                  Đoàn CCB "Cựu lính sinh viên" Thành Cổ Quảng Trị vào viếng

                                              Trường Đại học GTVT vào viếng
....................

Lễ Truy điệu
               Ông Trần Đắc Sử - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường ĐH GTVT đọc Điếu văn



Lễ Đưa Quan





Lễ An Táng - Lê Minh được An Táng tại Nghĩa trang ND Hà Đông, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội.




 Vĩnh biệt bạn Lê Minh. Cầu mong bạn siêu thoát, phù hộ độ trì cho gia đình, anh em bạn bè....